Đường Vành đai 4 Tp. HCM là dự án giao thông quan trọng kết nối Tp. HCM với nhiều tỉnh thành lân cận, giúp giảm áp lực giao thông và làm động lực phát triển kinh tế – xã hội. Dự án được phê duyệt vào năm 2011 nhưng hơn 10 năm sau mới có thể triển khai. Hiện, một số quy hoạch của dự án đã có thay đổi.
Tổng quan về đường Vành đai 4 Tp. HCM
Dự Án Đường Vành Đai 4 TPHCM có tổng chiều dài 197,6km, đi qua 5 tỉnh, thành là: TP Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Long An. Đây là dự án được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1698/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch chi tiết vào ngày 28-9-2011, quy mô kỹ thuật là cao tốc đô thị, mặt cắt ngang 6-8 làn xe, tốc độ 60-80 km/giờ.
Đường Vành đai 4 bắt đầu tại điểm giao với đường Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu tại Km 40+000 (khu vực Phú Mỹ), hướng về sân bay quốc tế Long Thành, giao với cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, giao với quốc lộ 1A, cắt quốc lộ 22 tại Củ Chi, qua thị trấn Bến Lức, giao cắt với đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương, điểm cuối nối với đường trục Bắc-Nam tại khu đô thị cảng Hiệp Phước, TP.HCM.
Quy hoạch đường Vành đai 4 Tp. HCM chi tiết
Lộ trình Đường Vành đai 4 có tổng chiều dài là 197,6km, gồm 5 đoạn:
Đoạn 1: Phú Mỹ – Trảng Bom (Vành đai 4 Phú Mỹ – Trảng Bom)
Bắt đầu tại điểm giao với đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu tại Km 40 + 000 (khu vực Cảng Phú Mỹ), hướng về sân bay quốc tế Long Thành và kết thúc tại Trảng Bom (Đồng Nai). Đoạn đường này giao với cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây (tại Km39 + 150).
Đoạn 2: QL1 (Trảng Bom, Đồng Nai) – QL13 (Tân Uyên – Bình Dương)
Bắt đầu tại QL1A (thuộc thị trấn Trảng Bom) vượt sông Đồng Nai tại cầu Thủ Biên, kết thúc tại quốc lộ 13 (Tân Uyên – Bình Dương).
Đoạn 3: QL1 (Tân Uyên – Bình Dương) – QL22 (Củ Chi, TP.HCM)
Bắt đầu tại điểm QL1 (đường vành đai 4 Bến Cát – Tân Uyên, BD), vượt sông Sài Gòn tại cầu Phú Thuận, và kết thúc tại quốc lộ 22 (Km 23 + 500) tại Củ Chi.
Đường Vành đai 4 có ý nghĩa to lớn với sự phát triển hạ tầng, giải phóng giao thông và phát triển kinh tế khu vực tỉnh Bình Dương. Có khả năng kết nối 5 tỉnh thành quan trọng của khu vực phía Nam: Vũng Tàu – Đồng Nai – Bình Dương – TP.HCM – Long An. Do nằm giữa 4 tỉnh còn lại nên Bình Dương sẽ trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa đi các tỉnh Tây Nguyên, miền Tây, Đông Nam Bộ.
Đoạn 4: QL22 (Đường vành đai 4 Củ Chi) – cao tốc TP.HCM (Đường vành đai 4 Bến Lức – Long An)
Bắt đầu tại quốc lộ 22 (Km 23 + 500) đi song song ĐT.823 đến thị trấn Hậu Nghĩa, đi song song với đường ĐT.824 và ĐT.830, qua thị trấn Bến Lức, giao cắt với đường cao tốc Tp.HCM – Trung Lương.
>>> Xem thêm: Đường tỉnh 830E (Vành đai 4 đoạn qua Long An) được khởi công
Đoạn 5: Bến Lức – Long An tới cuối tuyến trục Bắc Nam TP.HCM
Bắt đầu tại quốc lộ 1A tại Khu công nghiệp Long Hiệp, giao với quốc lộ 50 (Km 19 + 900) đến điểm cuối nối với đường trục Bắc Nam tại Khu đô thị – cảng Hiệp Phước TP.HCM.
Quy hoạch tuyến đường Vành Đai 4 sẽ đi qua địa giới hành chính của 12 huyện thuộc 5 tỉnh, thành phố: tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (1 huyện): huyện Tân Thành; Tỉnh Đồng Nai (3 huyện): các huyện Long Thành, Trảng Bom, Vĩnh Cửu; Tỉnh Bình Dương (2 huyện): các huyện: Tân Uyên, Bến Cát; Thành phố Hồ Chí Minh (2 huyện): các huyện Củ Chi, Nhà Bè; Tỉnh Long An (4 huyện): các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc.
Vai trò của đường Vành đai 4 Tp. HCM
Sau khi hình thành, tuyến đường Vành đai 4 tp hcm 2020 có vai trò tiếp nhận và giải tỏa lưu lượng giao thông từ miền Tây Nam bộ, giảm tải và hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường nội đô TP.HCM.
Ngoài ra, tuyến đường cũng tạo điều kiện thuận lợi kết nối các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kết nối khu vực đồng bằng sông Cửu Long với khu vực miền Đông Nam bộ với khu cảng Hiệp Phước, cảng Long An góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện phát triển dịch vụ cảng.
Thay đổi trong quy hoạch đường Vành đai 4
Hiện tuyến đường Vành đai 4 TP.HCM đang được đề xuất thay đổi quy hoạch sao cho không đi trùng với quy hoạch hướng tuyến của dự án nhằm kéo giảm chi phí đầu tư. Sở Giao thông vận tải TP.HCM mới đây đã cho biết, việc chỉnh hướng tuyến này giúp tiết kiệm khoảng 4.000 tỷ đồng với 669 hộ dân không phải giải tỏa, di dời…
Có ba phương án về hướng tuyến đường Vành đai 4 TP.HCM:
– Phương án 1: Cơ bản trùng với hướng tuyến quy hoạch của dự án. Hướng đi trùng các tuyến đường Bàu Lách, Nguyễn Thị Rành, Trung Viết, Cao Thị Bèo… qua huyện Củ Chi.
Hướng tuyến này có chiều dài 17,35 km, diện tích giải phóng mặt bằng khoảng 154,49 ha. Phương án này có đặc điểm là diện tích cần giải phóng mặt bằng ít nhất nhưng số hộ di dời nhiều nên chi phí giải phóng mặt bằng cao nhất. Là do đoạn đi theo đường Bàu Lách dài khoảng 4,7 km và đoạn theo đường Nguyễn Thị Rành khoảng 2,1 km có nhiều nhà cửa, công trình. Phương án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 17.791 tỷ đồng, với khoảng 50% đoạn tuyến đi trùng đường hiện hữu.
– Phương án 2: Tránh được đường hiện hữu, né khu dân cư, số hộ dân di dời ít nên giảm chi phí giải phóng mặt bằng.
Cụ thể, sẽ nắn chỉnh một đoạn 9,7 km về phía nam từ 0 m đến 160 m, tránh đường Bàu Lách, Nguyễn Thị Rành hiện hữu. Đoạn nối tiếp 3,7 km nắn về phía nam từ 0 – 120 m tránh đường Trung Viết, Cao Thị Bèo hiện hữu; đoạn còn lại trùng tim quy hoạch. Tổng mức đầu tư khi làm phương án 2 khoảng 13.803 tỷ đồng.
– Phương án 3: Nắn chỉnh đoạn 14,1 km tuyến về phía nam từ 0 – 1.300 m, tránh các tuyến đường hiện hữu. Đoạn 2,5 km còn lại trùng tim quy hoạch. Với phương án này, chiều dài tuyến là 16,75 km, diện tích giải phóng mặt bằng khoảng 150 ha.
Hướng tuyến này tránh xa các đường giao thông hiện hữu, số hộ di dời ít nhất, chi phi giải phóng mặt bằng thấp nhất và thuận tiện có thể kết nối đường khu vực vào hai tuyến cao tốc (cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và cao tốc Bến Lức – Long Thành). Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 13.631 tỷ đồng; trong đó phần bồi thường chiếm gần 6.700 tỷ đồng.
Trên cơ sở so sánh, phân tích, đối chiếu, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất chọn phương án 3 là phương án hiệu quả nhất, giải tỏa và di dời ít (khoảng 480 căn, trong khi phương án 1 là 1.150 căn và phương ấn 2 là 486 căn), lại tiết kiệm được 4.169 tỷ đồng chi phí đầu tư.
Tiến độ đường Vành đai 4 Tp. HCM cập nhật mới nhất 2023
Quy hoạch chi tiết đường Vành đai 4 TP.HCM được phê duyệt tại Quyết định số 1698 do Thủ tướng ban hành ngày 28/9/2011. Bộ GTVT được giao trách nhiệm tổ chức điều phối triển khai thực hiện dự án này. Tuy nhiên từ đó cho đến nay, do vướng mắc về nguồn vốn nên dự án vẫn còn là kế hoạch nằm trên giấy.
Những năm gần đây, dự án bắt đầu được thực hiện trở lại với kế hoạch triển khai như sau:
- Quý II/2023 hoàn thành lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
- Quý IV/2023 lập nghiên cứu báo cáo khả thi dự án.
- Quý III/2024 lựa chọn nhà đầu tư.
- Quý IV/2024 trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và khởi công.
- Hoàn thành dự án vào cuối 2027 và đưa vào khai thác sử dụng vào cuối 2028.
Đường Vành đai 4 Tp. HCM cùng với đường Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 3 sẽ tạo thành hệ thống vành đai khép kín kết nối Tp. HCM với các tỉnh lân cận. Khi hoàn thành, cả 4 dự án này sẽ giúp cho khoảng cách giữa các tỉnh, thành được rút ngắn, từ đó thúc đẩy kinh tế – xã hội và các lĩnh vực liên quan phát triển.
>>> Xem thêm: Cảng Quốc tế Long An: Vai trò, vị thế trong xuất – nhập khẩu vùng ĐBSCL