Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: “đầu tàu” phát triển kinh tế cả nước

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam 1

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hay còn được gọi là “bát giác kim cương”, nắm giữ vị thế quan trọng trong nền kinh tế cả nước, là đầu tàu phát triển và thu hút đầu tư.

Ngay từ năm 2019, Chính phủ đã xác định vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (KTTĐ) nắm giữ vai trò “đầu tàu”, dẫn dắt, phát triển bền vững đối với kinh tế đất nước.

Vùng KTTĐ phía Nam gồm 8 tỉnh, thành: TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh và Bình Phước. Tuy diện tích chỉ chiếm 8% và dân số chiếm 17% của cả nước, nhưng sản xuất của vùng chiếm hơn 40% GDP, giá trị kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng 40% cả nước. Đặc biệt, vùng KTTĐ phía Nam đóng góp rất lớn cho ngân sách quốc gia và thu hút hơn một nửa tổng vốn đầu tư FDI của Việt Nam.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất nước

Năm 2018, GDP cả nước tăng 7,08% so với năm trước đó, vượt kế hoạch đề ra và là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Riêng vùng KTTĐ phía Nam có mức tăng cao hơn bình quân chung cả nước. Đơn cử như tỉnh Long An có GRDP tăng 10,5%, Bình Dương hơn 9%, TP.Hồ Chí Minh 8,3%, Đồng Nai tăng 8%, Tiền Giang 7,2%…

>>> Xem thêm: Quy mô kinh tế Long An đứng thứ 12 trên cả nước về tốc độ tăng trưởng [2023]

Kinh tế phát triển ổn định và tăng trưởng khá nên đóng góp cho ngân sách của vùng chiếm 40% tổng thu ngân sách của Nhà nước. Năm 2018, thu ngân sách nhà nước đạt hơn 1,42 triệu tỷ đồng, trong đó riêng vùng KTTĐ phía Nam đóng góp trên 581 ngàn tỷ đồng.

Tăng trưởng GRDP phía Nam

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá: “TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương là những tỉnh, thành ở trong nhóm đầu của cả nước về thu ngân sách. Do đó, những tỉnh, thành trên nếu thu không đạt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thu ngân sách của quốc gia”. Cụ thể, năm 2018 TP.Hồ Chí Minh thu ngân sách 377 ngàn tỷ đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu trên 66,4 ngàn tỷ đồng, Đồng Nai 50,7 ngàn tỷ đồng, Bình Dương gần 50,4 ngàn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành vùng KTTĐ phía Nam cũng cao hơn cả nước. Theo Bộ Kế hoạch – đầu tư, hiện thu nhập bình quân đầu người của vùng Đông Nam bộ là trên 5.200 USD/người, cao gấp hơn 2 lần so với bình quân của cả nước.

Trong cuộc họp trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, năm 2018 tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cao hơn mục tiêu đề ra và cũng cao hơn mọi dự báo. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm qua. GDP tăng cao nhưng nền kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, lạm phát thấp, nợ công giảm. Các vùng KTTĐ có những đóng góp rất lớn, đặc biệt là vùng Nam bộ.

>>> Xem thêm: Long An đặt nhiều chỉ tiêu kinh tế đáng chú ý đến năm 2030

Trung tâm sản xuất công nghiệp của cả nước

Cả nước quy hoạch 326 khu công nghiệp, đến nay có 250 khu công nghiệp đi vào hoạt động thì riêng vùng KTTĐ phía Nam có 129 khu công nghiệp đang hoạt động. Bên cạnh đó, vùng còn là nơi tập trung gần 100 cụm công nghiệp. Đây là trung tâm sản xuất công nghiệp của Việt Nam. Nếu Việt Nam thu hút vốn đầu tư FDI được 345 tỷ USD thì có hơn 173 tỷ USD “đổ” vào khu vực này và vùng tiếp tục là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài (FDI). Trong 4 tỉnh, thành đang dẫn đầu Việt Nam về thu hút đầu tư FDI thì có 3 tỉnh, thành nằm trong vùng là TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương.

Vùng kinh tế công nghiệp trọng điểm phía Nam

Doanh nghiệp FDI và cả doanh nghiệp trong nước tập trung tại vùng KTTĐ phía Nam rất đông nên đây cũng là “đầu tàu” trong xuất khẩu, xuất siêu của Việt Nam. Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Đồng Nai, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh là những địa phương có kim ngạch xuất khẩu lớn của cả nước, giá trị sản xuất công nghiệp luôn giữ được mức tăng trưởng ổn định qua nhiều năm. Trong thu hút đầu tư FDI những năm gần đây có sự chọn lọc nên có nhiều dự án công nghiệp hỗ trợ lớn – đúng lĩnh vực cả nước đang cần.

Việc ưu tiên thu hút công nghiệp hỗ trợ của những tỉnh, thành trong vùng đã giúp cho Việt Nam giảm được nhập khẩu nguyên phụ liệu cho sản xuất. Do đó, từ năm 2017 nước ta chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu. Những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn đều nằm trong các tỉnh, thành của vùng KTTĐ phía Nam như: giày dép, dệt may, xơ sợi dệt, sản phẩm gỗ, điện tử và linh kiện, máy móc thiệt bị… Một số chuyên gia kinh tế thế giới nhận xét, vùng KTTĐ phía Nam không chỉ dẫn đầu ở Việt Nam mà còn là điểm đến hấp dẫn nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong khu vực Đông Nam Á.

Bà Mary Tarnowka, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.Hồ Chí Minh cho biết: “Gần 30% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là vào thị trường Hoa Kỳ. Trong đó, Đồng Nai, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh là nơi có xuất khẩu lớn vào Hoa Kỳ nên nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ đang muốn đầu tư vào khu vực này. Dự án đang được quan tâm nhất là Cảng hàng không quốc tế Long Thành”.

Hạ tầng đồng bộ, được ưu tiên phát triển

Những năm qua, vùng KTTĐ phía Nam là nơi được Chính phủ ưu tiên nguồn vốn để đầu tư hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo ra những bước đột phá trong phát triển kinh tế. Bởi khu vực này phát triển sẽ kéo theo các vùng lân cận. Hàng loạt các dự án giao thông lớn được quy hoạch, triển khai như: các đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, Bến Lức – Long Thành, Biên Hòa – Vũng Tàu, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường vành đai 3

Khi các dự án này hoàn thành sẽ giúp kết nối các tỉnh, thành phố trong vùng và tạo ra tăng trưởng nhanh về kinh tế-xã hội, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp. Dự kiến đến năm 2025, nhiều dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng, tạo ra “bức tranh mới” đối với mạng lưới giao thông kết nối vùng. Trong đó, nổi bật là các tuyến cao tốc Bến Lức-Long Thành, Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ (đoạn Mỹ Thuận-Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2), cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường Vành đai 3, cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết…

Hạ tầng giao thông phía nam được đầu tư đồng bộ

Hiện, các địa phương cũng đang khẩn trương phát triển hệ thống giao thông kết nối, chờ đợi đấu nối vào những dự án trọng điểm trên nhằm phá thế độc đạo của một số tuyến giao thông hiện hữu, tạo điều kiện cho các địa phương bứt phá phát triển.

Vai trò của Long An trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Tỉnh Long An có tổng diện tích tự nhiên là 449.234,5 ha, vừa thuộc Vùng TP HCM, vừa thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Với vị trí như vậy, tỉnh Long An đóng vai trò cầu nối phát triển giữa hai vùng. Vai trò, vị thế của Long An được nhìn nhận quan trọng với hầu hết các tỉnh phía Nam của nước ta, đặc biệt là các tỉnh ven biển Đông trong mối quan hệ nội vùng, ngoại vùng và quốc tế. Cùng với TP HCM, các tỉnh Bình Phước, Bình Dương và Tây Ninh, Long An là một trong 05 đơn vị hành chính cấp tỉnh của vùng có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua, tuyến đường này cũng được xác định là trục hành lang kinh tế – đô thị cấp quốc gia.

Long An trở thành đô thị vệ tinh

Do nằm gần TP HCM, một trong những trung tâm kinh tế của cả nước, tỉnh Long An dễ dàng thu hút được nhiều nguồn đầu tư. Tỉnh Long An đóng vai trò quan trọng trong việc liên kết vùng KTTĐ phía Nam, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và nước láng giềng Campuchia; hầu hết các hoạt động xuất phát từ Vùng KTTĐ Nam hướng về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hoặc ngược lại đều đi qua địa phận tỉnh Long An, vì thế tỉnh Long An có vị thế chiến lược đầy tiềm năng. Tuy nhiên, tỉnh Long An cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ do sức hấp dẫn của các tỉnh nằm trong Vùng KTTĐ phía Nam về các lĩnh vực đầu tư, nguồn nhân lực và các cơ hội phát triển khác.

>>> Xem thêm: Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050

Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đó là cơ hội nhưng đồng thời cũng là nhiệm vụ để các địa phương (bao gồm cả Long An) không ngừng phát triển mọi mặt, thu hút đầu tư, xứng đáng với vị thế và vai trò của mình trong vùng.