Khai trương 7 cầu cảng & dịch vụ khai thác hàng container tại cảng Quốc tế Long An [2023]

khai trương cảng quốc tế Long An-4

Sáng nay (24/6), Cảng Quốc tế Long An đã chính thức khai trương 7 cầu cảng và dịch vụ khai thác hàng container, đánh dấu bước phát triển mới của cảng biển này. Đây là cảng Quốc tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á, có khả năng tiếp nhận tàu container lớn nhất thế giới.

Cảng Quốc tế Long An đánh dấu bước ngoặt kinh tế ĐBSCL

Cảng Quốc tế Long An khai mạc dịch vụ container và hợp long 7 cầu cảng. Đây là bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển cảng biển đạt chuẩn quốc tế tại Châu Á. Sự kiện cũng là một hoạt động ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 54 năm thành lập thương hiệu Đồng Tâm (25/6/1969 – 25/6/2023).

Tham dự sự kiện có nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước – Trương Tấn Sang; nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ – Trương Hòa Bình; ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương – Mai Văn Chính; ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An – Nguyễn Văn Được; ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An – Nguyễn Minh Lâm đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh.

Cảng Quốc tế Long An là một cụm dự án đa năng tại Cần Giuộc, Long An với quy hoạch 1.935ha gồm khu công nghiệp 396 ha; khu dịch vụ-công nghiệp 239ha, khu đô thị 1.145ha và đặc biệt nhất là cảng biển 147ha. Dự án mang lại lợi ích cao cho khu vực nhờ sự phát triển liên tục của các tiện ích và công trình phụ trợ.

Sau 8 năm thi công từ 2015, ngày 24/6/2023 đơn vị chủ đầu tư (Dongtam Group) tổ chức công bố tiến độ dự án và chính thức hợp long 7 cầu cảng – cảng Quốc tế Long An (tổng chiều dài từ Cầu cảng số 1 đến Cầu cảng số 7 là 1.670m) và khai trương dịch vụ khai thác hàng container.

khai trương cảng quốc tế Long An-1

Dongtam Group đã đầu tư hơn 500 triệu USD vào khu cảng như đầu tư hạ tầng kỹ thuật bài bản; công trình kho, bãi lên đến 1 triệu mét vuông; lực lượng phương tiện vận tải hùng hậu, hệ thống trang thiết bị khai thác tối tân; đầy đủ tiện ích nội khu; các công trình phụ trợ,… góp phần hiện thực hóa tầm nhìn xây dựng cảng Quốc tế Long An trở thành “Một điểm đến cho mọi nhu cầu”.

Cảng Quốc tế Long An đang tích cực phát triển năng lực khai thác container. Trong giai đoạn này, cảng đầu tư 6 thiết bị cẩu STS, 18 cẩu RTG được sản xuất, lắp ráp 100% tại Nhật Bản, từ nhà sản xuất hàng đầu thế giới Mitsui E&S Machinery – đơn vị với hàng trăm năm kinh nghiệm trong ngành công nghiệp nặng. Không dừng lại ở đó, cảng Quốc tế Long An sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư, không ngừng nâng cấp các thiết bị khai thác, hướng đến mục tiêu công suất khai thác 1.000.000 TEU.

Ông Võ Quốc Thắng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Dongtam Group, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Long An, khẳng định: “Tâm huyết và nguồn lực mà Dongtam Group đã đầu tư cho dự án là chứng minh cho tinh thần quyết tâm, xung kích, thúc đẩy sự phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Và điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với sự phát triển KT-XH của khu vực vốn có mức thu nhập thấp trên cả nước. Cụm dự án đem lại những nguồn lợi cho ĐBSCL từ thu hút đầu tư, tối ưu chi phí logistics, giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa trong khu vực, góp phần tạo lập các đô thị mới, nâng cao đời sống người dân, giữ chân người lao động tại địa phương và nhiều ý nghĩa về mặt xã hội”.

>>> Xem thêm: Vốn đầu tư BĐS dịch chuyển từ Đông sang Tây, Long An “chớp” thời cơ chuyển mình

khai trương cảng quốc tế Long An-2

Cảng Quốc tế Long An: Động lực phát triển kinh tế của vùng ĐBSCL

Cảng hướng đến cung cấp các dịch vụ Cảng biển và Logistics tiên tiến, bao gồm vận chuyển, lưu kho, lưu bãi và các dịch vụ gia tăng. Cảng không ngừng đầu tư mở rộng, khai thác an toàn, hiệu quả các loại hàng hóa khác nhau, thỏa mãn nhu cầu của khách hàng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An – Nguyễn Minh Lâm cho biết: cảng Quốc tế Long An là Cảng biển tổng hợp, đa dạng dịch vụ khai thác, phù hợp với chiến lược phát triển hạ tầng giao thông kết nối và giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp ở Long An và ĐBSCL. Cảng Quốc tế Long An là động lực phát triển kinh tế của vùng ĐBSCL, điều này cũng thể hiện trong Quyết định số 686/QĐ-TTg ngày 13/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tỉnh Long An quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông nối các khu/cụm công nghiệp với cảng Quốc tế Long An, làm trung tâm động lực của tỉnh, của ĐBSCL. Đây là trách nhiệm của chủ đầu tư và các cấp, các ngành tỉnh Long An, để biến tiềm năng, lợi thế thành kết quả thực tiễn, phát triển đột phá KT-XH tỉnh Long An.

Cảng tiếp nhận tàu 70.000 DWT, hàng hóa thông qua Cảng đạt lần lượt của năm 2021, 2022 là 2 triệu và 2,2 triệu tấn. Cảng khai trương dịch vụ hàng container và các mặt hàng truyền thống, siêu trường, siêu trọng, nông, thủy sản, phân bón, sắt, thép, thiết bị máy móc.

“Tôi muốn chia sẻ niềm vui mừng của cán bộ, công nhân viên Cảng Quốc tế Long An khi chính thức chào đón chuyến tàu container đầu tiên cập Cảng và hiệu suất khai thác khá ấn tượng. Chúng tôi đã sẵn sàng về năng lực vận hành và trang thiết bị để khai thác hàng container một cách an toàn, hiệu quả. Chúng tôi định hướng công suất khai thác Cảng Quốc tế Long An đến năm 2030 đạt 1.000.000 TEU, xử lý 10 triệu tấn hàng hóa tổng hợp thông qua Cảng”. Ông Peter Hendrik Slootweg – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý và Khai thác cảng Quốc tế Long An cho biết.

khai trương cảng quốc tế Long An-3

Với việc khai trương 7 cầu cảng và dịch vụ khai thác hàng container tại cảng Quốc tế Long An, đây là một bước tiến quan trọng trong việc phát triển hạ tầng giao thông và thúc đẩy kinh tế khu vực. Cảng Quốc tế Long An không chỉ là cửa ngõ kết nối với các tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ, mà còn là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hy vọng rằng, cảng Quốc tế Long An sẽ tiếp tục đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.

>>> Xem thêm: Hạ tầng Long An hoàn thiện, bàn đạp cho bất động sản tăng tốc